Trong mấy tuần liền, bạn phải liên tục làm việc và dốc toàn bộ tâm sức để chuẩn bị cho buổi thuyết trình. Các slide trình chiếu PowerPoint được tỉa tót. Từng số liệu trong Excel là không thể bàn cãi nữa. Bài nói là một kiểu logic trong vắt như pha lê. Mọi thứ trông cậy cả vào buổi thuyết trình của bạn. Nếu bạn được ngài CEO bật đèn xanh, bạn sẽ thẳng tiến đến nấc thang mới trong sự nghiệp. Nếu bài thuyết trình hỏng bét, bạn sẽ thẳng tiến vào chỗ thất nghiệp. Trợ lý của ngài CEO đề xuất cho bạn mấy mốc thời gian thuyết trình như sau: 8:00 sáng, 11:30 sáng, hoặc 6:00 chiều. Bạn sẽ chọn ca nào nhỉ?

Nhà tâm lý học Roy Baumeister và cộng tác viên Jean Twenge có lần phủ đầy một chiếc bàn với hàng trăm món đồ rẻ tiền-từ mấy quả banh lông tennis và mớ đèn cầy đến áo thun, kẹo cao su, và cả đống lon Coca. Ông chia các sinh viên của mình thành 2 nhóm. Nhóm đầu tiên được ông gắn nhãn “người quyết định”, nhóm thứ hai là “người không quyết định.” Ông bảo với nhóm đầu tiên như sau: “Tôi sẽ cho các bạn xem những bộ gồm 2 món đồ ngẫu nhiên, và mỗi lần như thế, bạn phải quyết định là mình thích cái nào hơn. vào cuối thí nghiệm này, tôi sẽ tặng cho bạn một món và bạn có thể đem về nhà” Họ được dẫn dắt để tin rằng quyết định của họ sẽ ảnh hưởng đến món đồ mà họ sẽ được giữ lại. Với nhóm thứ hai, ông bảo:”Hãy viết ra những gì bạn nghĩ về từng món, và tôi sẽ chọn ra một món, rồi tặng nó lại cho bạn vào cuối buổi.” Liền sau thí nghiệm đó, ông yêu cầu từng sinh viên nhúng tay họ vào nước đá lạnh và giữ nguyên càng lâu càng tốt. Trong tâm lý học, đây là một phương thức cổ điển để đo lường sức mạnh ý chí hay kỷ luật tự giác; nếu bạn có ít hoặc chẳng có, bạn sẽ nhanh chóng giật mạnh tay ra khỏi nước lạnh. Kết quả như sau: những người quyết định rút tay ra khỏi nước đá sớm hơn những người không quyết định. Quá trình ra quyết định đầy căng thẳng đã vắt kiệt ý chí của họ-một hiệu ứng được xác nhận trong nhiều thí nghiệm khác.

Ra nhiều quyết định là một chuyện đầy mệt mỏi. Bất cứ ai từng cấu hình một chiếc laptop mua trên mạng hay nghiên cứu một chuyến du lịch dài hơi- nào chuyến bay, nào khách sạn, các hoạt động, nhà hàng, thời tiết-biết rõ điều này: Sau tất cả những việc so sánh, cân nhắc, và lựa chọn, bạn đã kiệt sức. Khoa học gọi đây là Mệt mỏi vì quyết định (Decision Fatigue).

hudson-news-mound-of-candy

Mệt mỏi vì quyết định là một hiểm họa: Là một người tiêu dùng, bạn trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi các tin nhắn quảng cáo và món mua ngay (impulse buy). Là một người ra quyết định, bạn dễ bị những màn quyến rũ gợi dục dẫn dụ. Ý chí con người giống như cục pin vậy. Sau một thời gian thì nó sẽ cạn và cần phải sạc lại. Bạn sạc lại như thế nào đây? Bằng cách nghỉ xả hơi, giải khuây, và ăn chút gì đó. Sức mạnh ý chí tụt về zero nếu mức đường huyết của bạn giảm xuống quá thấp. IKEA biết điều này quá rõ là đằng khác: Trong khi lội bộ qua khu trưng bày trông như mê cung và đầy những kệ kho hàng cao như tòa tháp, mệt mỏi vì quyết định xảy ra. Vì lý do này, các nhà hàng của IKEA được bố trí ngay trung tâm của các cửa hàng. Công ty này sẵn sàng hy sinh một ít lợi nhuận biên của mình để bạn có thể nâng lại mức đường huyết của bản thân với những món chiêu đãi kiểu Thụy Điển trước khi quay trở lại cuộc săn lùng những cái giá để nến hoàn hảo của mình.

 Ý chí con người giống như cục pin vậy. Sau một thời gian thì nó sẽ cạn và cần phải sạc lại.
Ý chí con người giống như cục pin vậy. Sau một thời gian thì nó sẽ cạn và cần phải sạc lại.

4 tù nhân trong một trại giam ở Israel kiến nghị tòa án xem xét ân xá. Trường hợp 1 (được xếp lịch vào lúc 8:50 sáng): một người Arab bị xử 30 tháng tù vì tội lừa gạt. Trường hợp 2 (được xếp lịch vào lúc 1:27 trưa): một người Do Thái bị xử 16 tháng tù vì tội hành hung. Trường hợp 3(được xếp lịch vào lúc 3:10 chiều): một người Do Thái bị xử 16 tháng tù vì tội hành hung. Trường hợp 4 (được xếp lịch vào lúc 4:35 chiều): một người Arab bị xử 30 tháng tù vì tội lừa gạt. Tòa đã phán quyết ra sao? Còn quan trọng hơn cả bổn phận của các nghi phạm hay mức nghiêm trọng trong hành vi phạm tội mà họ gây ra, đó là sự mệt mỏi vì quyết định của các vị quan tòa. Các thẩm phán chấp thuận cho yêu cầu 1 và 2 vì khi đó mức đường huyết của họ vẫn còn cao (từ bữa sáng và bữa trưa). Tuy vậy, họ gạt bỏ lá đơn thứ 3 và 4 vì họ không thể dồn đủ năng lượng để đánh liều những hệ lụy của việc ân xá. Họ chọn lựa chọn dễ dàng (nguyên trạng) và các tù nhân lại tiếp tục gỡ lịch. Một nghiên cứu trên hàng trăm lời phán quyết cho thấy, trong một phiên xử, tỷ lệ phần trăm các quyết định “can đảm” của quan tòa tụt dần từ mức 65% xuống gần bằng 0, và sau khi giải lao, quay về mức 65%. Quá nhiều để bảo rằng đó là sự thận trọng kỹ lưỡng của Nữ Thần Công Lý. Nhưng, miễn là bạn chưa có vụ xét xử nào sắp tới đây, tất cả không chỉ là mất mát đâu: Giờ bạn đã biết khi nào nên giới thiệu dự án của mình cho ngài CEO rồi đấy (;

Decision-Fatigue-Infographic-512x1024

Rolf Dobelli – The Art of Thinking Clearly

Nguồn của tác giả:

“Rắc rối của chuyện mệt mỏi vì quyết định ảnh hưởng đến mọi thứ, từ sự nghiệp của các CEO đến bản án tù dành cho các trọng tội xuất hiện trước mặt các thẩm phán mệt lử. Nó ảnh hưởng đến hành vi của mọi người, điều hành lẫn phi điều hành, mỗi ngày.” Roy Baumeister và John Tierney, Willpower: Rediscovering the Greatest Human Strength (New York: Penguin Press, 2011), 90.

Thí nghiệm lên các sinh viên chia thành 2 nhóm “quyết định” và “không quyết định”: Sđd, 91, 92.

Ví dụ về các quan tòa: Sđd, 96-99.

Bài nghiên cứu chi tiết về quyết định của các thẩm phán: Shai Danziger, Jonathan Levav, và Liora Avnaim-Pesso, “Extraneous Factors in Judicial Decisions,” Proceedings of the National Academy of Science 108, số 17 (25/2/2011):6889-92.

Roy Baumeister, “Ego Depletion and Self-Control Failure: An Energy Model of the Self’s Executive Function,” Self and Identity 1, số 2 (1/4/2002):129-36.

Kathleen D. Vohs, Roy F. Baumeister, Jean M. Twenge, Brandon J. Schmeichel, Dianne M. Tice, và Jennifer Crocker, “Decision Fatigur Exhausts Self-Regulatory Resources-But So Does Accommodating to Unchosen Alternatives,” Working paper, 2005.

George Loewenstein, Daniel Read, và Roy Baumeister, Time and Decisions: Economic and Psychological Perspectives on Intertemporal Choice (New York: Russell Sage Foundation, 2003), 208.

Sau chuyến đi vất vả vòng khắp siêu thị, người tiêu dùng chịu hậu quả của sự mệt mỏi vì quyết định. Các ngành bán lẻ làm lợi từ chuyện này và đặt các món mua ngay, như là kẹo cao su và kẹo ngậm, ngay kế bên quầy thu ngân-ngay trước vạch kết thúc của cuộc marathon quyết định. Xem: John Tierney, “Do You Suffer from Decision Fatigue?,” New York Times Magazine, 17/8/2011.

Khi nào thì nên trình bày ý kiến với CEO nhỉ? Thời điểm tốt nhất là 8 giờ sáng. CEO thấy thoải mái sau một giấc ngủ ngon từ đêm trước, và sau khi bữa sáng kéo mức đường huyết của ông lên cao-đó là toàn bộ điều kiện hoàn hảo để đưa ra những quyết định can đảm.

Xem thêm: http://zenbusinesslife.com/decision-fatigue/

http://lifehacker.com/how-to-overcome-decision-fatigue-1462863837

http://resultsroom.co.nz/suffer-decision-fatigue/