Theo sau sự sụp đổ của triều đại Carolingian vào thế kỷ thứ IX, Châu Âu, đặc biệt là Pháp, sa vào tình trạng vô chính phủ. Các bá tước, sĩ quan chỉ huy, hiệp sĩ, và những lãnh chúa khác liên miên bị sa lầy vào những cuộc chiến. Những tên lính tàn nhẫn cướp bóc các nông trang, hãm hiếp phụ nữ, giày xéo những cánh đồng, bắt cóc các mục sư, và hỏa thiêu các nữ tu viện. Cả Giáo hội và những người nông dân tay không tấc sắt đều bất lực trước sự hiếu chiến man rợ của giới quý tộc.

Vào thế kỷ thứ X, một vị giám mục người Pháp nảy ra một ý tưởng. Ông yêu cầu các vị quân vương và hiệp sĩ tập trung trên một cánh đồng. Trong khi đó, các vị linh mục, giáo sĩ và cha trưởng tu viện tập hợp tất cả các di hài mà họ có thể tụ họp lại từ trong vùng và trưng bày chúng trên cánh đồng đó. Đó là một cảnh tượng thật tương phản: hài cốt, những mảnh vải bê bết máu, gạch vụn, và những miếng ngói-bất cứ thứ gì từng tiếp xúc với một vị thánh. Kế đến, vị giáo sĩ, khi đó là một người được tôn trọng, kêu gọi đám quý tộc, trước sự hiện diện của các tàn tích, từ bỏ bạo lực vô độ và việc tấn công lại những người không hề được vũ trang. Nhằm gia tăng sức nặng cho đòi hỏi của mình, ông vẫy những chiếc áo đẫm máu và những khúc xương thánh trước mặt bọn họ. Giới quý tộc hẳn phải có lòng sùng kính vô cùng trước những biểu tượng như vậy: Lời thỉnh cầu có một không hai của vị giáo sĩ đến lương tri của họ đã loan khắp Âu Châu, phát khởi cho cái gọi là “The Peace and Truce of God” ( Hòa Bình và Hưu Chiến Vì Chúa). “Chớ có ai được đánh giá thấp nỗi sợ các vị thánh vào thời Trung Cổ và các thánh tích”, theo lời nhà sử học người Mỹ Philip Daileader.

Là một người đã thấu tỏ chuyện này, bạn chỉ có thể bật cười vào sự mê tín ngớ ngẩn này. Nhưng hãy chờ chút nào: Điều gì xảy ra nếu tôi đưa bạn vào tình huống sau đây? Bạn có dám khoác chiếc áo len dài tay được giặt ủi sạch sẽ lên người nếu biết Hitler đã từng mặc nó? Hẳn là không, đúng không nào? Vậy ra, có vẻ là bạn cũng chưa mất hết mọi sự tôn kính trước các thế lực mơ hồ đấy nhỉ. Về bản chất, chiếc áo len này chẳng còn liên hệ gì với Hitler cả. Còn chẳng có lấy một tế bào trong giọt mồ hôi của Hitler trên nó nữa kìa. Dẫu vậy, viễn cảnh về việc mặc nó vào vẫn khiến bạn chùn bước. Điều này còn hơn chuyện chỉ đơn thuần là vì vấn đề kính trọng. Đúng vậy, chúng ta muốn phóng chiếu một hình ảnh “đúng đắn” đến những người đi sau và đến bản thân chúng ta, nhưng tư tưởng lại khiến ta ngần ngại kể cả khi chúng ta ở một mình và khi ta tự thuyết phục bản thân rằng chạm vào cái áo len chẳng phải việc chấp nhận Hitler theo bất cứ hình thức nào. Phản ứng đầy cảm tính này thật khó để gạt qua một bên. Kể cả những ai tự cho rằng họ khá là duy lý cũng có lúc khó khăn khi phải xua tan hoàn toàn đức tin vào các thế lực huyền bí (kể cả tác giả).

Các thế lực huyền bí loai này không thể đơn thuần bị ngắt mạch được. Paul Rozin và nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học Pennsylvania đã yêu cầu các đối tượng nghiên cứu đem đến các tấm ảnh về những người họ thương yêu. Những tấm này được đính vào ngay tâm các tấm bia và các đối tượng phải phóng phi tiêu vào đó. Bắn thủng tấm hình với phi tiêu chẳng làm hại gì đến người trong đó, nhưng, dù sao đi nữa, sự ngập ngừng của các đối tượng là rõ ràng. Họ kém chính xác hơn nhiều so với một nhóm kiểm soát đã bắn vào các tấm bia bình thường trước đó. Các đối tượng nghiên cứu đã hành xử như thể một lực huyền bí đã ngăn họ bắn trúng các tấm ảnh.

Thiên kiến lây nhiễm (contagion bias) mô tả cách chúng ta không có khả năng bỏ qua một kết nối mà ta cảm thấy đối với những món đồ nhất định – dù chúng đến từ quá khứ xa xôi hay chỉ có mối liên hệ gián tiếp (như trong ví dụ về những tấm ảnh). Một người bạn tôi là phóng viên mặt trận nhiều năm cho kênh truyền hình đại chúng France 2 của Pháp. Giống như các hành khách trên một du thuyền vùng Caribbean đem quà lưu niệm về nhà từ mỗi hòn đảo – chiếc mũ rơm hay quả dừa được vẽ nghệ thuật-bạn tôi cũng sưu tập những món lưu niệm từ những chuyến phiêu lưu của cô. Một trong những nhiệm vụ cuối cùng của cô là tại Baghdad vào năm 2003. Một ít giờ sau khi quân đội Mỹ tiến công vào dinh thự chính quyền của Sadam Hussein, cô đã lẻn vào một khu vực riêng. Trong phòng ăn, cô nhìn thấy sáu cốc uống rượu mạ vàng và đã mau lẹ trưng dụng chúng. Khi tôi tham dự một trong những bữa tiệc đêm tại Paris gần đây của cô, những chiếc cốc mạ được đặt ở nơi trang trọng trên bàn tiệc. “Những chiếc cốc này từ khu Galleries Lafayette à?”, có người hỏi. “Không, chúng từ Saddam Hussein đấy, cô đáp một cách vô tư. Một vị khách khiếp sợ đã nhổ ngụm rượu lại vào cái cốc và bắt đầu thổi phì phì mất kiểm soát. Tôi phải góp thêm : “Anh có biết có bao nhiêu phân tử chúng ta đã chia sẻ cùng với Saddam, chỉ tính riêng chuyện thở không?” Tôi hỏi. “Khoản một tỷ cho mỗi hơi đấy. ” Thậm chí anh ta ho còn tệ hơn.

Rolf Dobelli – The Art of Thinking Clearly

Nguồn của tác giả:

Thiên kiến lây nhiễm còn được gọi là “phỏng đoán lây nhiễm” (contagion heuristic)

Túm gọn về thiên kiến lây nhiễm chỉ trong một dòng như sau: “Một khi đã có liên hệ, mãi mãi liên hệ.”

Thomas Gilovich, Dale Griffin, và Daniel Kahneman (eds.), Heuristics and Biases: The Psychology of Intuitive Judgement (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 2002), 212.

Xem thêm bài trên Wikipedia về “Hòa bình và Hưu chiến vì Chúa

Philip Daileader, The High Middle Ages (Chantilly, VA: The Teaching Company, 2001), khóa số 869, bài giảng thứ 3, bắt đầu ~ phút 26:30.

Ví dụ về những mũi tên đến từ Kennedy vs. Hitler trong: gilovich, Griffin, và Kahneman (eds), Heuristics and Biases, 205. Các tác giả của bài ( Paul Rozin và Carol Nemeroff) không nói về “lây nhiễm” nhưng là về “quy luật về sự tương tự”. Tôi đã thêm ví dụ về phỏng đoán lây nhiễn, là cái mà theo nghĩa rộng hơn, bàn đến thiên hướng về phép màu.

Hình của các bà mẹ: Một nhóm kiểm soát không sử dụng hình sẽ bắn trúng bia tốt hơn. Những người tham dự hành xử như thể các tấm ảnh chứa đựng một quyền phép nào đó có thể gây tổn thương cho đối tượng thực sự. Trong một nghiên cứu tương tự, hình của hoặc John F. Kennedy hay Hitler được gắn lên các tấm bia. Mặc dù các sinh viên cố gắng bắn càng chính xác càng tốt, những ai gặp tấm bia có hình JFK lại bắn tệ hơn nhiều (Sđd).

Chúng ta không thích dời nhà đến những nơi có người mới vừa qua đời, dù đó là nhà, căn hộ, hay phòng. Ngược lại, các công ty lại yêu thích việc dời đến những văn phòng mới mà trước đó các công ty thành công đã thuê. Lấy ví dụ, khi milo.com dời đến 165 University Avenue ở Palo Alto, báo chí đã rộn rịp cả lên vì Logitech, Google, và PayPal thảy đều đã từng thuê ở tòa nhà đó. Như thể có “những rung động tốt lành” nào đó sẽ giúp cho các start-up trong tòa nhà đó cất cánh. Nó chắc chắn phải có liên quan mật thiết đến việc tòa nhà nằm gần đại học Stanford hơn.

Để tính toán số phân tử trên mỗi hơi thở: Khí quyển chứa xấp xỉ 10^44 phân tử. Tổng khối lượng khí quyển là 5.1×10^18 kg. Mật độ không khí tại mực nước biển là 1.2kg/m3. Theo hằng số Avogadro,  có 2.7×10^5 phân tử trong một mét khối không khí. Do đó, trong một lít có 2.7×10^22 phân tử khí. Trung bình, chúng ta hô hấp khoản 7 lít khí mỗi phút (khoản một lít mỗi hơi) hay 3,700 mét khối khí/năm. Saddam Hussein đã “tiêu thụ” 260,000 mét khối khí trong cuộc đời mình. Giả sử ông ta tự hít lại xấp xỉ 10% lượng đó, chúng ta có 230,000 mét khối khí “bị Saddam làm ô nhiễm” trong bầu khí quyển. Do đó 6.2×10^30 phân tử khí đã đi qua phổi của Saddam, và giờ đã phát tán khắp bầu khí quyển. Sự tập trung của các phân tử này trong bầu khí quyển bằng 6.2×10^-14. Điều này tạo ra 1.7 tỷ phân tử “bị Saddam làm ô nhiễm” trên mỗi hơi thở.

Xem thêm: Carol Nemeroff và Paul rozin, “The Makings of the Magical Mind: The Nature Function of Sympathetic Magic” trong Karl S. Rosengren, Carl N. Johnson và Paul L .Harris (eds.), Imagining the Impossible: Magical, Scientific, and Religious Thinking in Children (Cambridge, UK: Cambridge University Press, 2000), 1-34.

Bình của người dịch:

Bài học rút ra từ câu chuyện này là khi gặp một món đồ được cho là của người đi trước nào đó, nếu như xét về khía cạnh khoa học là hợp vệ sinh thì bạn nên dùng thoải mái đi. Về khía cạnh kinh doanh, chẳng phải những câu chuyện như mảnh vải lấy ra từ áo Bà trên chùa Bà (giả sử lượng khách đến chùa là 10000 người/tháng, liệu có cái áo nào đủ để cắt ra mỗi mảnh 5cmx5cm bán cho họ không? Wow, Bà mặc áo size gì mà kinh thế, hay là áo… Thạch Sanh?), hay những câu chuyện mang đẫm màu sắc mê tín để phục vụ cho mục đích thương mại chẳng phải đã nhan nhản hay sao?