Bạn biết câu nói: “Hãy sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối trong đời.” Nó đã xuất hiện ít nhất ba lần trên mọi tạp chí về lối sống và cũng luôn có một chỗ trong kịch mục chính(standard repertoire) của mọi quyển sổ tay tự lực (self-help). Dù dòng chữ nghe tài tình là mấy, nó chẳng làm bạn khôn ngoan hơn. Chỉ cần tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn làm theo nó từng chữ một: Bạn sẽ không còn đánh răng, gội đầu, dọn dẹp nhà cửa, đến chỗ làm, chi trả hóa đơn … Chẳng mấy chốc, bạn sẽ rơi vào cảnh bần cùng, bệnh tật, và có thể là ngồi gỡ lịch trong khám. Vậy nhưng ý nghĩa của nó vốn thật cao quý: Nó thể hiện một khao khát sâu sắc, một mong muốn về sự tức thời. Chúng ta đặt các giá trị to lớn vào sự tức thời – nhiều hơn mức hợp lý. “Hãy tận hưởng mỗi ngày trọn vẹn nhất và đừng lo nghĩ gì về ngày mai” thuần túy không phải là lối sống khôn ngoan.Bạn sẽ nhận 1,000$ một năm hay 1,100$ trong một năm và một tháng? Hầu hết sẽ chọn tổng số lớn hơn trong 13 tháng – còn nơi nào khác mà bạn có thể kiếm được một mức lãi suất 10% (hay 120% mỗi năm!) cơ chứ? Thật là một lựa chọn sáng suốt, vì mức lãi suất dư sức bù vào bất cứ rủi ro nào xảy ra cho bạn khi bạn phải đối mặt với việc đợi thêm ít tuần nữa.

Câu hỏi thứ hai: Bạn thích 1,000$ tiền mặt để trên bàn ngay hôm nay hay 1,100$ sau một tháng? Nếu bạn nghĩ giống hầu hết mọi người, bạn sẽ chọn lấy 1000$ ngay lúc này. Thật bất ngờ. Trong cả 2 hai tình huống, nếu bạn chỉ cần chờ thêm một tháng,  bạn sẽ nhận được thêm 100$. Trong tình huống đầu, chuyện khá đơn giản. Bạn đoán: “Mình đã chờ những 12 tháng, 1 tháng nữa thì sao chứ?” Nhưng trường hợp thứ hai thì không. Lời mở đầu bằng “bây giờ” khiến chúng ta đưa ra những quyết định bất nhất. Khoa học gọi tên hiện tượng này là giảm giá theo đường cong hyperbol (hyperbolic discounting). Giải thích: Phần thưởng càng gần hơn, “tỉ suất lợi nhuận về mặt cảm xúc” của chúng ta tăng cao hơn và chúng ta càng sẵn sàng từ bỏ việc đánh đổi nó. Phần đông các nhà kinh tế học vẫn chưa nắm vững được rằng chúng ta phản hồi rất là chủ quan và bất nhất trước các tỷ số lãi suất. Mô hình của họ vẫn còn phụ thuộc vào các mức lãi suất không đổi và đó rõ ràng là chuyện đáng ngờ.

hyperbolic-discounting.png

Hyperbolic discouting, sự thật rằng chính sự tức thời lôi cuốn chúng ta như nam châm, là một tàn tích còn sót từ nguồn gốc động vật của chúng ta. Các loài thú sẽ chẳng bao giờ bỏ qua một phần thưởng tức thời để nhận lấy nhiều hơn trong tương lai. Bạn có thể huấn luyện bầy chuột bao nhiêu tùy ý; chúng sẽ chẳng bao giờ từ bỏ miếng phô mai của ngày hôm nay để đổi lấy hai miếng vào ngày mai cả. Nhưng đợi một chút nào: Không phải là bầy sóc xoay sở gom nhặt thực phẩm và tiết kiệm cho rất lâu sau đó hay sao? Đúng vậy, nhưng đó là bản năng thuần túy và – có thể xác thực được – là chẳng liên quan gì đến chuyện kiểm soát thôi thúc (impulse control) hay học hỏi.

Vậy còn với trẻ em thì sao? Vào thập niên 60, Walter Mischel đã tiến hành một thí nghiệm nổi tiếng về sự ban thưởng được trì hoãn. Bạn có thể tìm hiểu đoạn ghi hình tuyệt vời về thí nghiệm này trên Youtube bằng cách gõ từ khóa “marshmallow experiment (thí nghiệm với kẹo dẻo)”. Trong đó, một nhóm trẻ 4 tuổi được cho mỗi đứa một viên kẹo dẻo. Chúng có thể ăn kẹo của mình ngay hoặc chờ thêm vài phút và nhận được cái thứ hai. Điều đáng ngạc nhiên là rất ít trẻ có thể chờ đợi. Điều còn ngạc nhiên hơn nữa, đó là việc Mischel nhận thấy khả năng chấp nhận trì hoãn phần thưởng là một chỉ số khả tín cho thành công trong sự nghiệp tương lai. Kiên nhẫn quả là một đức tính tốt.

Khi chúng ta càng già đi và khả năng tự kiểm soát ngày một được rèn luyện thêm, thì chúng ta càng dễ dàng trì hoãn phần thưởng hơn nhiều. Thay vì mười hai tháng, chúng ta chờ đợi tháng thứ mười ba trong thanh thản và nhận thêm 100$ mang về. Tuy vậy, nếu chúng ta được chào mời một phần thưởng ngay tức khắc, động cơ thúc đẩy phải cực kỳ cao thì chúng ta mới có thể trì hoãn mong muốn được lấp đầy ngay khi đó.Ví dụ: các mức lãi suất cắt cổ mà các ngân hàng thu phí trên các thẻ ghi nợ và các khoản vay cá nhân ngắn hạn, cả hai đều lợi dụng bản năng “phải-có-ngay” của chúng ta.

Kết luận là: Mặc dù phần thưởng tức thời là cực kỳ cám dỗ, giảm giá theo đường hyperbol vẫn là một sai lầm. Chúng ta càng có nhiều sức mạnh vượt qua được các thôi thúc của bản thân, chúng ta càng có khả năng tránh được chiếc bẫy này tốt hơn. Nếu chúng ta ít sức mạnh để vượt qua các thúc giục của chính mình-lấy ví dụ, khi chúng ta đang trong tầm ảnh hưởng của cồn – chúng ta càng dễ mắc bẫy. Nhìn từ khía cạnh khác: Nếu bạn bán các sản phẩm cho người tiêu dùng cuối, hãy cho khách hàng lựa chọn được nhận hàng ngay lập tức. Một số người sẽ sẵn lòng trả thêm một khoản chỉ để họ không phải chờ đợi nữa. Amazon kiếm được cả mớ tiền nhờ chuyện này: Một khoản lành mạnh của phần phụ phí chuyển giao hàng ngay ngày hôm sau sẽ được chuyển thẳng vào két tiền của họ. “Hãy sống như thể đây là ngày cuối trong đời” là một ý tưởng hay – một lần mỗi tuần.

Rolf Dobelli – The Art of Thinking Clearly

Nguồn của tác giả

Có một loạt nghiên cứu về đề tài này. Đầu tiên là: Richard H. Thaler, “Some Empirical Evidence on Dynamic Inconsitency,” Economic Letters 8 (1981): 201-7.

Về thí nghiệm kẹo dẻo, xem: Yuichi Shoda, Walter Mischel, và Philip K. Peake, “Predicting Adolescent Cognitive and Self-Regulatory Competencies from Preschool Delay of Gratification: Identifying Diagnostic Conditions,” Developmental Psychology 26, số 6 (1990): 978-86.

“… khả năng trì hoãn phần thưởng là rất linh hoạt (adaptive) và hợp lý lẽ, nhưng thỉnh thoảng nó lại thất bại và mọi người vồ lấy sự thỏa mãn tức thời. Hiệu quả của sự tức thời tương tự hiệu ứng về sự chắc chắn: Người thích sự nhận được ngay tức khắc cũng giống như người thích một sự nhận được có bảo đảm. Và cả hai kiểu này cho thấy ẩn sau quá trình tư duy tinh tế của loài thú có nền văn hóa (cultural animal) vẫn còn lẩn khuất những nhu cầu và khuynh hướng giản đơn hơn của loài thú xã hội (social animal). Thỉnh thoảng chúng lại thắng thế.” Roy F. Baumeister, The Cultural Animal: human Nature, Meaning, and Social Life (Oxford, UK: Oxford Univerity Press, 2005), 321.

Thế còn sau một thời kỳ rất dài hơi thì sao? Giả sử bạn kinh doanh một nhà hàng và một thực khách đưa ra một đề xuất như sau: Thay vì trả hóa đơn của y giá hết 100$ ngay hôm nay, y sẽ trả cho bạn 1,700$ sau 30 năm nữa – mức lãi suất 10% quá ngon. Bạn có chọn nó không? Hẳn là không rồi. Ai mà biết được điều gì sẽ xảy ra trong 30 năm nữa chứ? Vậy bạn có vừa mắc một lỗi tư duy nào không? Không đâu. Ngược lại với giảm giá theo đường cong hyperbol, chuyện mức lãi suất cao hơn trong một thời kỳ dài khá là thích đáng. Ở Thụy Sĩ (trước vụ Fukushima), có một cuộc tranh luận về dự án xây dựng nhà máy hạt nhân với thời gian hoàn vốn trong vòng 30 năm. Một ý tưởng xuẩn ngốc. Ai mà biết được công nghệ mới nào sẽ có mặt trên thị trường trong 30 năm đó chứ? Một kỳ hạn hoàn vốn dài mười năm nghe còn hợp lý, chứ 30 năm thì không – và đó là chưa kể đến các rủi ro.

Xem thêm: https://flyingpencils.wordpress.com/2013/02/22/gym-drugs/